Thứ Hai, 12 tháng 9, 2016

Hậu Giang triệu tập ông Trịnh Xuân Thanh

Nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Trịnh Xuân Thanh vừa có đơn xin ra khỏi Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và xin ra khỏi Đảng.

Ngày 8/9, Tỉnh ủy Hậu Giang đã có thông báo về việc tiếp nhận đơn xin ra khỏi Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh của ông Trịnh Xuân Thanh. Trong đơn, ông Thanh có giải trình một số vấn đề đoàn kiểm tra của Ủy ban Trung ương đặt ra trước đó, đồng thời có nguyện vọng xin ra khỏi Đảng.

Trong thông báo của Tỉnh ủy Hậu Giang, cơ quan này cho biết, sau khi nhận được đơn của ông Thanh, Thường trực Tỉnh ủy đã có công văn triệu tập ông Trịnh Xuân Thanh để báo cáo những vấn đề nêu trên.

Trước đó, Ủy ban kiểm tra Trung ương đã đề nghị Ban bí thư thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ khỏi Đảng đối với ông Trịnh Xuân Thanh.

Cơ quan này cho rằng, những khuyết điểm, vi phạm của ông Thanh rất nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước và cá nhân ông Trịnh Xuân Thanh.

Mới đây, lãnh đạo tỉnh Hậu Giang cũng xác nhận, sau khi có kết luận bước đầu của cơ quan chức năng, ông Trịnh Xuân Thanh đã xin nghỉ phép 1 tháng. Tuy nhiên, đến nay hết phép nhưng ông Thanh cũng không quay lại cơ quan. UBND tỉnh cũng không thể liên lạc được với ông Thanh qua điện thoại.

Ông Trịnh Xuân Thanh từng làm Tổng giám đốc rồi Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Cổ phần Xây lắp dầu khí (PVC) – thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Năm 2013, ông được miễn nhiệm sau hơn 4 năm giữ các vị trí lãnh đạo chủ chốt. Bảng cân đối kế toán hợp nhất trong báo cáo thường niên cho hay, lỗ lũy kế đến hết năm 2013 của PVC là hơn 3.000 tỷ đồng.

Sau khi rời ngành dầu khí, ông Thanh được luân chuyển nhiều chức vụ ở Bộ Công Thương trước khi về làm Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang năm 2015.

Giữa tháng 7, Hội đồng bầu cử quốc gia họp và quyết định hủy tư cách đại biểu Quốc hội của khóa 14 đối với ông Trịnh Xuân Thanh.

Trả lời báo giới mới đây, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng khẳng định, thông tin cơ quan điều tra đã bắt ông Trịnh Xuân Thanh vừa qua là “không chính xác”.

Được biết, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng (C46) Bộ Công an đã và đang tiến hành điều tra vụ thua lỗ ở PVC dưới thời ông Thanh làm lãnh đạo.

Đọc tiếp »

Tính mua tàu cũ Trung Quốc, lãnh đạo đường sắt bị phê bình

Bộ Giao thông Vận tải vừa có văn bản phê bình lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam về những thiếu sót trong chủ trương mua 160 toa xe hàng đã qua sử dụng của Trung Quốc.

Theo đó, sau khi nắm được thông tin về chủ trương nói trên, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải đã họp và có nghị quyết về các vấn đề liên quan đến chủ trương đầu tư, nhập khẩu toa xe hàng đã qua sử dụng tại Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.

Căn cứ nghị quyết của Ban cán sự Đảng, Bộ Giao thông Vận tải nghiêm khắc phê bình Hội đồng thành viên, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam do có thiếu sót trong quá trình chỉ đạo việc xem xét nhập khẩu toa xe hàng đã qua sử dụng, trong ứng xử, trả lời cơ quan báo chí và báo cáo Bộ Giao thông Vận tải.

Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu Hội đồng thành viên, Ban điều hành Tổng công ty Đường sắt nghiêm túc tổ chức kiểm điểm lại, với tinh thần thực sự cầu thị, nhìn nhận rõ những thiếu sót, khuyết điểm, xác định rõ trách nhiệm của tập thể và từng cá nhân để rút ra bài học sâu sắc. Khẩn trương thực hiện các chỉ đạo của lãnh đạo Bộ trong hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng công ty trong thời gian tới.

Trước đó, từ năm 2014, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã có chủ trương mua 164 toa tàu cũ của Cục Đường sắt Côn Minh (Trung Quốc). Trong đó, có 120 toa được đóng từ hơn 20 năm trước và gần 20 toa mới nhất trong lô hàng cũng đã có tuổi đời 12 năm.

Trên một số văn bản đã có bút phê của lãnh đạo Tổng công ty là “nhất trí thực hiện nhanh chủ trương đầu tư toa xe hàng đã qua sử dụng của Trung Quốc. Đề nghị tổ chức triển khai”. Lãnh đạo Tổng công ty cũng đã có một số cuộc họp bàn với Cục Đường sắt Côn Minh về kế hoạch mua tàu cũ.

Tuy nhiên, thông tin với báo chí, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam lại khẳng định không có bất cứ văn bản nào cho phép đầu tư cũng như chấp thuận chủ trương đầu tư dự án nhập khẩu toa xe hàng của Trung Quốc đã qua sử dụng.

Bản thân Chủ tịch Tổng công ty Trần Ngọc Thành cũng từng trả lời với báo chí rằng không có chủ trương này, mà đề xuất xuất phát từ cấp dưới.

Đến nay, Hội đồng Thành viên Tổng công ty Đường sắt đã miễn nhiệm và cách chức Tổng giám đốc Công ty Vận tải đường sắt Hà Nội với tư cách là người đại diện phần vốn Nhà nước tại công ty này.

Đọc tiếp »

Góc nhìn: Cần lý trí hơn về dự án thép của Hoa Sen

Tập đoàn Hoa Sen mới đây đã được Ninh Thuận chấp nhận về chủ trương đầu tư một tổ hợp dự án khu liên hợp luyện cán thép tại Cà Ná, với tổng công suất thiết kế trong giai đoạn đến năm 2022 là 6 triệu tấn thép, và nâng lên 16 triệu tấn đến năm 2031.

Theo Hoa Sen, trong giai đoạn 2017-2018, dự án sẽ triển khai xây dựng và đưa vào khai thác với công suất 1,5 triệu tấn thép/năm, tổng vốn đầu tư 460 triệu USD. Dự án cũng gồm xây dựng cảng nước sâu và bến chuyên dụng để tiếp nhận tầu có trọng tải tới 300.000 DWT.

Khi mới được công bố, dự án này đã lập tức nhận được nhiều ý kiến trái chiều, chủ yếu xoay quanh mấy vấn đề như: công nghệ và thiết bị sản xuất có khả năng gây ô nhiễm môi trường, nguồn cung thép trong nước đã dư thừa, ngành thép là một ngành có công nghệ cũ hàng thế kỷ nên không nên làm thép nữa mà thay vào đó là sản xuất thép hợp kim cao cấp, và nguồn vốn ở đâu để thực hiện dự án lớn như vậy?...

Trước tiên, hãy đề cập đến vấn đề gây ô nhiễm môi trường.

Cần thẳng thắn thừa nhận là là dù có giữ gìn cẩn thận đến đâu thì mọi dự án sản xuất gang thép đều gây ô nhiễm ở một mức độ nào đó, không là nước thải thì là khói bụi, khí thải. Vấn đề là, mức độ ô nhiễm này phải trong các hạn mức cho phép được quy định trong các bộ tiêu chuẩn quy phạm về bảo vệ môi trường của quốc gia.

Nếu dự án Hoa Sen được thiết kế, xây dựng và vận hành tuân thủ theo các tiêu chuẩn quy phạm này (của Việt Nam) thì sẽ không có vấn đề gì đáng nói ở đây. Nhưng dư luận lo ngại, dự án thép này của Hoa Sen sẽ lại như một dự án thép Formosa thứ hai ở Việt Nam, nên tốt nhất là… tránh đi, không làm nữa!

Lo ngại trên hoàn toàn có thể thông cảm được, nếu nhìn từ vụ việc Formosa. Nhưng, nếu cứ lấy Formosa để làm bài học và rút ra kết luận rằng mọi dự án thép đều sẽ hủy hoại môi trường tương tự như vậy, là vô lý.

Bởi vấn đề với Formosa là họ cố tình không tuân thủ các quy định về môi trường của Việt Nam, chứ không phải vấn đề là họ sản xuất thép nên mới gây ô nhiễm như vậy.

Trên thế giới, ngay tại các nước OECD như Hàn Quốc, Nhật, Mỹ, và châu Âu, hiện vẫn đang có nhiều dự án phức hợp luyện cán thép có công suất và sản lượng lên tới hàng chục triệu tấn/năm như ArcelorMittal (97 triệu tấn năm 2015), Nippon Steel and Sumitomo Metal (46 triệu tấn), POSCO (42 triệu tấn), JFE Steel (30 triệu tấn), Hyundai Steel (20 triệu tấn), Nucor (20 triệu tấn), ThyssenKrupp (17 triệu tấn), US Steel (15 triệu tấn)…

Và đương nhiên là tiêu chuẩn môi trường và các chế tài áp dụng để giám sát tuân thủ tiêu chuẩn môi trường của các doanh nghiệp sản xuất thép ở những nước và khu vực này không thể thấp hơn ở Việt Nam.

Các dự án thép khổng lồ này vẫn hoạt động từ nhiều năm nay ở đó, chứng tỏ sản xuất thép, kể cả ở quy mô khổng lồ, đã và đang không phải là “sát thủ” môi trường, như dư luận ở Việt Nam đang quy kết một cách bất công cho các dự án thép nói chung, và của Hoa Sen nói riêng.

Bởi vậy, việc cần phải làm với dự án Hoa Sen không phải là “bàn lùi”, can ngăn, cản trở để họ không đầu tư nữa, mà phải là đảm bảo rằng họ sẽ không tạo ra một Formosa thứ hai bằng cách cố tình phớt lờ các tiêu chuẩn quy phạm môi trường, khi đi vào sản xuất sau này.

Bằng cách nào thì câu trả lời nằm ở phía các cơ quan chức năng của Việt Nam, được trang bị đầy đủ các công cụ và quyền hạn thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường.

Thứ hai, về chuyện dư thừa công suất sản xuất thép trong nước, tình trạng này là một thực tế hiện nay ở Việt Nam. Nhưng cần biết rằng trong tổng công suất lắp đặt khoảng 20-25 triệu tấn hiện nay ở Việt Nam, có một tỷ trọng lớn là từ các nhà máy sản xuất quy mô nhỏ và rất nhỏ (dưới 500 nghìn tấn).

Đến như Hòa Phát, nhà sản xuất thép lớn nhất Việt Nam hiện nay với thị phần khoảng 12% thị trường thép ở Việt Nam (Hòa Phát tiêu thụ gần 1 triệu tấn thép xây dựng và thép ống trong nửa đầu năm nay, so với tổng mức tiêu thụ của cả nước là 8,5 triệu tấn, theo số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam) mà doanh nghiệp này cũng chỉ có công suất lắp đặt là khoảng 2 triệu tấn.

Do đó, sự ra đời của những dự án “khủng” như của Hoa Sen với sản xuất tích hợp từ thượng nguồn (sản xuất thép thô từ quặng sắt và than cốc bằng lò cao) đến hạ nguồn (thép cuộn, cán, hình) có hiệu quả cao chắc chắn sẽ tăng áp lực cạnh tranh lên sản xuất thép trong nước, buộc nhiều nhà máy và dự án thép (hiện có và sẽ ra đời trong tương lai) không có hiệu quả sẽ phải đóng cửa hoặc rút lại ý định đầu tư.

Nói cách khác, dự án thép Hoa Sen sẽ giúp tái cơ cấu lại ngành sản xuất thép ở Việt Nam theo hướng hiệu quả hơn, tương tự như xu thế chung trên thế giới, đặc biệt ở những nước như Trung Quốc, vốn đang diễn ra làn sóng sát nhập, hợp nhất và đóng cửa nhiều nhà máy sản xuất thép nhỏ, không hiệu quả, gây ô nhiễm… dưới bàn tay đạo diễn của nhà nước.

Do đó, khi dự án Hoa Sen đi vào hoạt đông thì ngành thép Việt Nam sẽ có thêm đáng kể công suất gia tăng, nhưng đồng thời cũng sẽ có thêm đáng kể công suất mất đi từ những nhà máy đang tồn tại, nên rốt cuộc tình trạng dư thừa cung chắc sẽ không trầm trọng thêm.

Thứ ba, trên danh nghĩa đúng là Việt Nam đang dư thừa năng lực sản xuất thép, nhưng nhìn sâu vào cơ cấu sản xuất, thì thấy dư thừa là ở phân khúc thép xây dựng, chứ không phải thép tấm, thép cuộn cán nóng. Có thể nói Việt Nam hiện phụ thuộc gần như hoàn toàn vào nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu thép tấm, cuộn cán nóng để sản xuất các sản phẩm thép cán nguội như tôn, thép công nghiệp (đồ điện gia dụng), nhất là thép ôtô và đóng tầu…

Ngoài ra, Việt Nam cũng thiếu hụt năng lực sản xuất thép ống không hàn và các loại thép đặc biệt, thép hình khác. Điều này lý giải, tại sao Việt Nam vẫn phải nhập nhiều triệu tấn thép/năm, vì trong đó có một phần lớn là các sản phẩm thép mà sản xuất trong nước chưa đáp ứng được này.

Trong khi đó, cơ cấu sản phẩm của dự án Hoa Sen rất đa dạng, từ thép xây dựng đến thép tấm cán nóng và thép hình, tức là sẽ bổ khuyết một phần quan trọng cho sự thiếu hụt trong nước, không chỉ không lo dư thừa công suất mà không còn lo phải nhập siêu lớn trong ngành này.

Cộng thêm với sự tồn tại và sản xuất của Formosa, sự tái cơ cấu ngành thép ở Việt Nam (lưu ý là Formosa cũng sản xuất nhiều loại sản phẩm mà trong nước chưa đáp ứng được) sẽ càng diễn ra mạnh hơn theo chiều hướng tích cực hơn.

Ngược lại, với sự đối trọng của dự án thép Hoa Sen, Formosa sẽ phải tìm cách cạnh tranh mạnh hơn trên thị trường trong nước, và thậm chí phải tìm cách xuất khẩu nhiều hơn nếu không muốn đối mặt với sự cạnh tranh trở nên gay gắt hơn ở trong nước.

Thứ tư, đúng là công nghệ sản xuất thép hiện đã định hình gần như hoàn chỉnh, ít có thêm đột phá công nghệ nên vì thế cũng có thể coi là ngành có công nghệ bình thường, không có gì đáng hấp dẫn về mặt công nghệ như những ngành công nghệ cao khác hiện đại khác. Nhưng, Hoa Sen là một tập đoàn tư nhân nên quyết định đầu tư vào ngành thép của họ là xuất phát từ những tính toán thiệt hơn về lợi nhuận, chứ không xuất phát từ sự bốc đồng, có động cơ chính trị, xã hội, hay vụ lợi như với một số dự án đầu tư công.

Với họ, câu hỏi liệu công nghệ mới hay không, nên sản xuất thép thường hay thép hợp kim cao cấp không quan trọng bằng câu hỏi có tối đa hóa được lợi nhuận cho cổ đông của mình hay không. Nếu họ tính toán thấy rằng đầu tư vào dự án phức hợp thép đem lại lợi nhuận tốt thì hãy để họ làm và nên ủng hộ họ, tất nhiên với điều kiện là họ phải tuân thủ mọi quy định của pháp luật.

Ngoài ra, về lo ngại Hoa Sen sẽ sử dụng công nghệ của Trung Quốc, thì cũng cần tham khảo tình hình quốc tế.

Mới hôm trước (ngày 27/8), chính quyền bang Sarawak, Malaysia ký kết bản ghi nhớ với tập đoàn thép Hebei Xinwuan và công ty MCC Overseas (đều của Trung Quốc) về nghiên cứu khả thi cho một dự án thép phức hợp có công suất tới 5 triệu tấn thép mạ, 1 triệu tấn thép cuộn cán nguội, và 1 triệu tấn ống thép hàn với tổng vốn đầu tư khoảng 3 tỷ USD.

Điều này cho thấy công nghệ Trung Quốc không nhất thiết là “đồ bỏ”, và thực tế là những doanh nghiệp thép lớn của Trung Quốc có tính cạnh tranh toàn cầu, đẩy không ít doanh nghiệp thép lớn nhỏ của thế giới vào tình trạng khốn đốn.

Cuối cùng, nguồn vốn cho dự án, nếu đầu tư đầy đủ để đạt công suất 16 triệu tấn vào năm 2031, được ước tính lên tới hơn chục tỷ USD, làm cho nhiều người e ngại tính khả thi. Nhưng cần lưu ý rằng, dự án này trải qua nhiều giai đoạn, với công suất lắp đặt tăng dần, nên nhu cầu vốn cũng sẽ rải ra trong một khoảng thời gian nhiều năm.

Thêm nữa, như đã nói, Hoa Sen là một tập đoàn tư nhân và khi quyết định đầu tư, đầu tư bao nhiêu thì họ đã tính toán và lượng sức mình, sức thị trường vốn để ra quyết định đầu tư. Kể cả trong trường hợp xấu, quyết định đầu tư của họ chỉ gây thiệt hại cho cổ đông của họ, chứ không gây thiệt hại, ảnh hưởng mấy đến quốc dân như với những dự án đầu tư bằng vốn Nhà nước.

Bởi vậy, chuyện thu xếp vốn cũng là quyền và là chuyện riêng của Hoa Sen, xin đừng bận tâm hộ cho họ!

Đọc tiếp »

Ba bộ cùng EVN “lờ” kết luận thanh tra

Thanh tra Chính phủ vừa có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ kết quả kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng về việc sử dụng vốn, tài sản tại Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Điểm đáng chú ý trong báo cáo của Thanh tra Chính phủ là có khá nhiều kết luận, kiến nghị của cơ quan thanh tra cũng như chỉ đạo của Thủ tướng trước đó đã không được EVN cùng 3 bộ: Công Thương, Tài chính và Xây dựng thực hiện hoặc thực hiện chưa đầy đủ.

Theo Thanh tra Chính phủ, sau khi cơ quan này chỉ ra hàng loạt khuyết điểm, vi phạm của EVN trong công tác quản lý tài chính, công tác sản xuất kinh doanh điện, thay vì đôn đốc EVN thực hiện nghiêm túc các kiến nghị của thanh tra, thì cả 3 bộ có liên quan nói trên vẫn khá “thờ ơ” với những vi phạm đó, dù đã có ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Trương Hòa Bình.

Cụ thể là Bộ Công Thương chưa thực hiện việc rà soát những việc thuộc chức năng, nhiệm vụ của Bộ đối với tổ chức hoạt động của EVN nhằm tháo gỡ những khó khăn, thúc đẩy EVN thực hiện tốt nhiệm vụ sản xuất kinh doanh và tái cơ cấu tập đoàn này.

Đồng thời, Bộ cũng chưa tổ chức kiểm điểm, rút kinh nghiệm về trách nhiệm của Bộ đối với một số tồn tại, khuyết điểm đã nêu tại kết luận thanh tra.

Đáng chý ý, Bộ Công Thương cũng chưa ban hành khung giá phát điện để phù hợp với lộ trình các cấp độ phát triển của thị trường điện; chưa chỉ đạo các Sở Công thương các tỉnh kiểm tra, rà soát điều kiện kinh doanh, an toàn lưới điện và giá bán điện cho người dân tại địa phương do các tổ chức dịch vụ bán lẻ điện năng ngoài EVN bán và đề xuất biện pháp xử lý.

Bộ cũng chưa chỉ đạo Cục Điều tiết điện lực và các cá nhân có liên quan kiểm điểm, xử lý theo thẩm quyền trong việc không thực hiện trong việc trả lời báo cáo giải trình của EVN về giá bán buôn điện bình quân, giá truyền tải điện năng năm 2011.

Đối với Bộ Tài chính, Thanh tra Chính phủ xác định có 4 nội dung công việc mà Bộ này chưa thực hiện theo kết luận thanh tra và chỉ đạo của Thủ tướng.

Cụ thể, Bộ Tài chính chưa thực hiện việc rà soát những việc thuộc chức năng, nhiệm vụ của Bộ đối với tổ chức hoạt động của EVN; chưa thực hiện việc tổ chức kiểm điểm rút kinh nghiệm về trách nhiệm của Bộ đối với một số tồn tại, khuyết điểm đã nêu trong kết luận thanh tra; chưa đề xuất xử lý số tiền 3,108 tỷ đồng do thẩm định tiền lương của Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc EVN năm 2010 chưa đúng với ý kiến của Thủ tướng Chính phủ.

Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng chưa chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng thực hiện việc rà soát khoản chi phí xây dựng nhà ở, nhà quản lý của ngành điện cũng như đối với các nhà máy, khu công nghiệp khác…

Đối với Bộ Xây dựng, Thanh tra Chính phủ khẳng định, Bộ này chưa chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan nghiên cứu, ban hành định mức xây dựng, tiêu chuẩn, điều kiện sử dụng nhà ở, nhà quản lý vận hành nhà máy điện cũng như các nhà máy, khu công nghiệp khác, đảm bảo tiết kiệm và phù hợp với thực tế các ngành; chưa có hướng dẫn cụ thể về xử lý khoản chi phí xây dựng khu nhà ở, nhà quản lý vận hành chung cho cả nước.

Riêng đối với EVN, Thanh tra Chính phủ khẳng định tập đoàn chưa thực hiện việc thoái vốn ngoài ngành theo kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Tại thời điểm kiểm tra, EVN đang lên kế hoạch thoái vốn tại 7 công ty với giá trị hơn 1.950 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến hết năm 2015, EVN mới thoái được hơn 1.440 tỷ đồng, số còn lại chưa thoái hơn 415 tỷ đồng tại Ngân hàng An Bình, dù đã ký hợp đồng chuyển nhượng cổ phần.

EVN cùng 6 đơn vị thành viên cũng chưa tổ chức kiểm điểm đầy đủ đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan đến những tồn tại, khuyết điểm, vi phạm được nêu tại kết luận thanh tra.

Mặt khác, tại 6 Tổng công ty chưa tổ chức kiểm điểm các cá nhân có liên quan đến vi phạm nêu tại Kết luận thanh tra.

Tổng công ty Điện lực Miền Nam (EVN SPC) chưa thực hiện điều chỉnh hoạch toán và về kê khai nghĩa vụ thuế với số tiền 96,8 tỷ đồng. EVN SPC cũng chưa xem xét xử lý giá trị hơn 5,45 tỷ đồng do dừng 7 dự án gây lãng phí.

Tổng công ty Điện lực Miền Bắc (EVN NPC) cũng chưa tổ chức kiểm điểm các cá nhân liên quan đến vi phạm trong chuyển nhượng cổ phần tại công ty cổ phần thủy điện Nho Quế 1.

Với thực tế trên, Thanh tra Chính phủ tiếp tục kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ ngành nói trên cùng EVN nghiêm túc thực hiện các nội dung còn thiếu sót. Đồng thời chỉ đạo các bộ, ngành kiểm điểm trách nhiệm tổ chức, cá nhân vì đã để xảy ra các vi phạm đã nêu trong kết luận trước đó.

Đọc tiếp »

Ông Trịnh Xuân Thanh chính thức bị khai trừ Đảng

Ban Bí thư đã nhất trí rất cao (biểu quyết 100% bằng phiếu kín) quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Trịnh Xuân Thanh.

Đây là thông tin từ thông báo về cuộc họp của Ban Bí thư ngày 8/9, dưới sự chủ trì của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng để xem xét thi hành kỷ luật ông Trịnh Xuân Thanh, Phó chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Hậu Giang nhiệm kỳ 2011 - 2016.

Tại cuộc họp, sau khi xem xét Báo cáo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Bí thư đã kết luận trong thời gian từ năm 2007 - 2013, trên các cương vị là Phó bí thư Đảng uỷ, Tổng giám đốc, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC), mặc dù đã có kiến nghị, cảnh báo của các cơ quan thanh tra, kiểm toán về tình hình thua lỗ và tiềm ẩn thua lỗ, nhưng ông Trịnh Xuân Thanh cùng với Ban Thường vụ Đảng ủy, Hội đồng Quản trị, Ban Tổng giám đốc, Ban Kiểm soát Tổng công ty đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, quản lý điều hành, thiếu kiểm tra, giám sát, làm trái các quy định của pháp luật về quản lý kinh tế, để xảy ra nhiều sai phạm và thua lỗ 3.298,27 tỷ đồng (giai đoạn 2011 - 2013). Nhiều tổ chức, cá nhân trong Tổng công ty bị kỷ luật và xử lý hình sự.

Những vi phạm, thua lỗ nêu trên là rất nghiêm trọng, gây dư luận xấu, làm giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Với cương vị là người đứng đầu, ông Trịnh Xuân Thanh phải chịu trách nhiệm chính về những khuyết điểm, vi phạm nêu trên.

Mặc dù vậy, trong kiểm điểm, ông Trịnh Xuân Thanh chưa nghiêm túc, thiếu trung thực, chưa thành khẩn tự giác nhận trách nhiệm, khuyết điểm, vi phạm của mình.

Vẫn theo kết luận của Ban Bí thư, khi thuyên chuyển vào Hậu Giang công tác, với cương vị là Tỉnh uỷ viên, Phó chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, nhưng ông Thanh dùng biển số xe công gắn vào xe ôtô tư nhân để sử dụng là trái quy định của pháp luật, đã gây phản cảm và tạo dư luận xấu, gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Việc làm đó là thiếu gương mẫu, vi phạm quy định của Ban Bí thư Trung ương Đảng về "Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp".

Kết luận tiếp theo của Ban Bí thư, ông Thanh là người chịu trách nhiệm chính về các khuyết điểm, vi phạm và thua lỗ ở Tổng công ty Cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam, lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ và cho thôi các chức vụ Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty.

Ông Thanh không đủ điều kiện, tiêu chuẩn để được đề bạt, bổ nhiệm, quy hoạch các chức vụ cao hơn và không thuộc diện cán bộ luân chuyển theo thông báo kết luận số 146-TB/TW, ngày 4/10/2013 của Bộ Chính trị khoá 11. Nhưng ông Thanh vẫn đề nghị và để các cơ quan chức năng làm quy trình tiếp nhận, bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo ở Bộ Công Thương và tỉnh Hậu Giang là thể hiện sự thiếu trung thực, thiếu trách nhiệm và thiếu gương mẫu.

Những khuyết điểm, vi phạm của ông Trịnh Xuân Thanh, theo kết luận của Ban Bí thư là rất nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước. Trong quá trình kiểm điểm, ông Trịnh Xuân Thanh chưa nghiêm túc, thiếu trung thực chưa thành khẩn, tự giác nhận các vi phạm, khuyết điểm.

Căn cứ nội dung, tính chất, mức độ vi phạm, Ban Bí thư đã nhất trí rất cao quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Trịnh Xuân Thanh.

Đọc tiếp »

Người Việt vẫn chưa được vào casino, nhà đầu tư nước ngoài kém vui

Việc Việt Nam chưa dỡ bỏ lệnh cấm người dân trong nước vào casino có thể sẽ cản trở vốn đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực này, hãng tin CNBC dẫn lời giới phân tích trong một bản tin mới đây.

Trong dự thảo nghị định được công bố gần đây, Bộ Tài chính giữ nguyên quy định chỉ người nước ngoài và người Việt Nam có hộ chiếu nước ngoài mới được vào cửa sòng bạc. Trước đó đã có đề nghị gỡ bỏ quy định này, làm dấy lên hy vọng Chính phủ Việt Nam sẽ nới lỏng quy chế về đối tượng được vào các casino.

Việc Bộ Tài chính giữ nguyên quy định trên được cho là xuất phát từ những mối lo ngại của dư luận về tệ cờ bạc, rửa tiền, và các hoạt động phi pháp khác.

“Chúng tôi cứ nghĩ là Chính phủ ít nhất sẽ cho phép người dân vào cửa casino để chơi những trò chơi nhỏ. Hóa ra, mọi chuyện không như chúng tôi nghĩ”, ông Michael Kokalari, trưởng bộ phận nghiên cứu thị trường Việt Nam của công ty CIMB phát biểu.

Trước khi dự thảo nghị định mới được đưa ra, còn có những đồn đoán cho rằng Bộ Tài chính sẽ quy định áp phí vào cửa casino đối với người dân, tương tự như chính sách của Singapore, hoặc quy định về mức tài sản tối thiểu đối với những người muốn vào sòng bạc nhằm ngăn những người thu nhập thấp đánh bạc.

“Với những đồn đoán từ trước như vậy, thì nội dung dự thảo nghị định quả thực là một tin xấu cho các nhà đầu tư tổ hợp sòng bạc - nghỉ dưỡng quốc tế, vốn từng xem Việt Nam là một trong những cơ hội mới mẻ và hấp dẫn”, ông Grant Govertson, thành viên sáng lập công ty nghiên cứu Union Gaming Group ở Macau, nhận xét.

“Điều này dập tắt bất kỳ mối quan tâm nào của các công ty sòng bạc lớn về đầu tư vào các dự án tổ hợp sòng bạc-nghỉ dưỡng ở Việt Nam”, ông Shaun McCamley, trưởng bộ phận châu Á của công ty tư vấn quản lý Global Markets Advisors, đánh giá.

Theo số liệu của hãng nghiên cứu Nielsen đưa ra hồi tháng 5, gần 60% dân số Việt Nam hiện đang ở độ tuổi dưới 35 và số người tốt nghiệp đại học đã tăng 60% trong vòng 1 thập kỷ qua. Ngoài ra, hãng tư vấn Boston Consulting Group dự báo dân số thuộc tầng lớp trung lưu và giàu có của Việt Nam sẽ tăng hơn gấp đôi trong thời gian từ năm 2014-2020, từ 12 triệu người lên 33 triệu người.

“Việt Nam được xem là một cơ hội đầu tư lớn, đầy tiềm năng, nếu Chính phủ cho phép người dân vào sòng bạc. Las Vegas Sands bấy lâu nay là công ty sòng bạc lớn thể hiện rõ nhất mong muốn đầu tư vào Việt Nam”, ông Govertson phát biểu.

Hiện có khoảng 7 casino được cấp phép ở Việt Nam, tất cả đều phụ thuộc vào khách nước ngoài. Một trong số này là Crown International Games Club ở Đà Nẵng, một điểm đến thu hút nhiều khách du lịch Trung Quốc giàu có.


Trong bối cảnh Trung Quốc đẩy mạnh chống tham nhũng, nhiều khách chơi bạc VIP ở đại lục đã chuyển từ các sòng bạc ở Macau ra các casino khác ở nước ngoài.

Trong dự thảo nghị định lần này, Bộ Tài chính cũng giữ nguyên quy định hạn chế đối với nhà đầu tư nước ngoài muốn vận hành casino ở Việt Nam. Theo đó, mức vốn tối thiểu đối với nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực này là 4 tỷ USD.

“Không một nhà đầu tư sòng bạc nào lại rót số tiền như vậy vào một thị trường mà người dân ở đó không được vào cửa casino”, ông McCamley nói.

Các điều kiện khác bao gồm thuế giá trị gia tăng (VAT) 10%, thuế doanh thu từ hoạt động đánh bạc 35%, và thuế thu nhập doanh nghiệp 20%.

“Tất cả những yếu tố trên của Việt Nam sẽ là tích cực đối với các thị trường casino láng giềng như Campuchia và Lào. Hai nước này có môi trường đầu tư thân thiện hơn đối với các sòng bạc”, Govertson nhấn mạnh. Tuy vậy, ông vẫn hy vọng các quy định của Việt Nam có thể được nới lỏng trong tương lai.

Đọc tiếp »

Ba tỉnh chung một Cục Hải quan

Ngày 10/9, tại Ninh Bình, Bộ Tài chính đã công bố Quyết định của Thủ tướng về việc thành lập Cục Hải quan Hà Nam Ninh trực thuộc Tổng cục Hải quan.

Theo quyết định của Thủ tướng, Cục Hải quan Hà Nam Ninh trực thuộc Tổng cục Hải quan để quản lý nhà nước về hải quan trên địa bàn 3 tỉnh Hà Nam, Nam Định và Ninh Bình. Cục Hải quan Hà Nam Ninh là Cục Hải quan thứ 35 trong hệ thống tổ chức bộ máy ngành hải quan.

Trước đây, công tác quản lý nhà nước về hải quan trên địa bàn 3 tỉnh do Cục Hải quan Thanh Hoá đảm nhiệm. Tuy nhiên, Cục Hải quan Thanh Hóa chỉ thực hiện 65% trong số 1.000 gần doanh nghiệp thực hiện xuất nhập khẩu, 35% còn lại phải làm thủ tục ngoài địa bàn.

Tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết, kim ngạch xuất nhập khẩu trên địa bàn 3 tỉnh Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình liên tục tăng trên 10%/năm, tổng kim ngạch của 3 tỉnh vượt số 6 tỷ USD, số doanh nghiệp thường xuyên có hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn gần 1.000 doanh nghiệp. Do đó, việc thành lập Cục Hải quan Hà Nam Ninh là do nhu cầu phát triển kinh tế của 3 tỉnh.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn đề nghị Cục Hải quan Hà Nam Ninh phải nỗ lực phục vụ doanh nghiệp, phải là đối tác của doanh nghiệp. Đồng thời phải thực hiện hải quan điện tử đối với 100% doanh nghiệp trên địa bàn, phải thực hiện Nghị quyết 35 của Chính phủ nhằm giảm thời gian thông quan, chi phí hoạt động xuất nhập khẩu cho các doanh nghiệp.

Đọc tiếp »