Thứ Năm, 27 tháng 10, 2016

Luật Về hội: Quá khó, lại xin lùi

Một ngày thảo luận, cuối chiều 25/10, sau khi nghe 49 ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân xin tiếp thu để hoàn chỉnh dự thảo Luật Về hội, và sẽ trình kỳ họp sau.

Trước đó, một số vị đại biểu khác cũng cho rằng cần thảo luận, cân nhắc thật kỹ, không vì áp lực dư luận mà vội thông qua dự án luật rất nhạy cảm này.

Nâng lên, đặt xuống nhiều nhất

Một trong số các vị cho rằng chắc chắn chưa thể thông qua là đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai).

Ông nói: trong lịch sử lập pháp Việt Nam, đây là đạo luật nâng lên đặt xuống nhiều nhất. 70 năm trước, quyền lập hội đã được đưa vào Hiến pháp và có mặt trong tất cả hiến pháp tiếp theo. 60 năm trước, sắc lệnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa quyền lập hội thành một văn bản pháp luật.

Đến năm 2006 thì lần đầu tiên một dự thảo luật được đưa ra Quốc hội và rồi lại xếp lại. Từ đó đến nay, đã 10-15 lần soạn thảo, và lần này được đưa ra trên tinh thần Hiến pháp 2013 sau khi đã soạn thảo được một số bộ luật liên quan đến quyền con người.

“Đây là nỗ lực lớn, nhưng cũng cho thấy đây là vấn đề không đơn giản”, ông Quốc nhìn nhận.

Lần này cuộc trao đổi cũng trở nên gay gắt hơn, theo đại biểu Quốc, là do từ phiên bản dự thảo tháng 9 đến tháng 10 đã có dung sai, khác biệt rất lớn, khác hoàn toàn những điều thảo luận trước kia.

“Đứng trước một đạo luật khó thế này, chúng ta vẫn ở trong tâm thế bất ổn, làm luật để phát triển hay giữ sự an toàn”, ông nói.

Theo ông Dương Trung Quốc, an toàn là cần thiết nhưng phải nhìn thấy quyền lập hội của con người. Trong khi đó dự thảo luật lại bị “sa lầy” vào nhiều yếu tố về thủ tục, mà có thể điều chỉnh ở chỗ khác. Quan điểm của ông là, luật phải tập trung vào những điều cơ bản nhất, để thực hiện quyền con người, quyền lập hội.

"Luật phải tạo ra cộng đồng, hướng tới những điều tích cực. Luật này phải trên quan điểm như thế, chứ cứ nhìn vào đảm bảo an ninh thì không được. Luật này sớm ra thì tốt, nhưng chắc kỳ họp này chưa ra được đâu", ông Quốc nhìn nhận.

Tin vào truyền thống

Chủ tịch Hội Cựu Thanh niên xung phong, đại biểu Vũ Trọng Kim đề cập một số người có tâm lý là khi luật ra đời, nếu không khéo sẽ sinh ra kiểu “xã hội dân sự” như xã hội nước ngoài. Nhưng cũng có chiều ngược lại, có tâm lý “Tây hoá 100%”, tức là sao chép 100% mô hình nước ngoài.

“Luật Về hội của Việt Nam nên tránh cả hai khuynh hướng này”, ông Kim đề nghị.

Đạị biểu Vũ Trọng Kim cho rằng, hội ở Việt Nam đã qua quá trình lịch sử lâu dài và nói chung là tốt đẹp. Vì thế, theo ông Kim, khi xây dựng Luật Về hội, không được hoài nghi do dự. mà phải vững tin vào truyền thống tốt đẹp đó.

Góp ý cụ thể hơn, đại biểu Kim đề nghị khoản 1 điều 7 nên thêm vào hai chữ “tự do”. Tức là thay vì viết Nhà nước tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền lập hội của công dân Việt Nam... thì cần viết là Nhà nước tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền tự do lập hội của công dân Việt Nam.

“Tự do lập và tự do tham gia mới đầy đủ quyền của công dân”, ông nói.

Tiếp thu các góp ý từ nghị trường, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân thừa nhận việc chuẩn bị dự án luật chưa được chu đáo, nên cần có thời gian chuẩn bị tiếp để trình Quốc hội tại kỳ họp sau.

Đọc tiếp »

Hàng nghìn mặt hàng sẽ vào Việt Nam với thuế 0% nhờ ACFTA

Chính phủ vừa công bố danh sách các mặt hàng sẽ được hưởng thuế ưu đãi đặc biệt theo Hiệp định Thương mại hàng hoá ASEAN - Trung Quốc (ACFTA).

Các nước thành viên ACFTA là Trung Quốc, Philippines, Thái Lan, Singapore, Myanmar, Malaysia, Lào, Indonesia, Campuchia, Brunei.

Theo cam kết khi tham gia ACFTA, Việt Nam cam kết xóa bỏ thuế quan của 90% số dòng thuế trong vòng 10 năm, linh hoạt đến lộ trình cuối cùng vào năm 2018. Số dòng thuế còn lại Việt Nam cam kết cắt giảm về từ 5% đến 50% vào cuối lộ trình là năm 2020.

Trong khi đó, Trung Quốc cam kết xóa bỏ thuế quan đối với 95% số dòng thuế vào năm 2011. Số dòng thuế nhạy cảm còn lại, Trung Quốc cam kết cắt giảm về 5% đến 50% vào cuối lộ trình là năm 2018.

Để được hưởng ưu đãi thuế đặc biệt, hàng hoá của các nước phải có giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá (C/O) được Bộ Công Thương quy định. Theo đó, hàng nghìn mặt hàng có xuất xứ từ các nước thuộc ACFTA sẽ được áp dụng mức thuế 0% khi xuất khẩu vào Việt Nam và ngược lại.

Theo thống kê từ Tổng cục Hải quan, kim ngạch nhập khẩu hàng hoá từ Trung Quốc 9 tháng năm nay đạt 35,9 tỷ USD. Các mặt hàng nhập khẩu lớn là sản phẩm từ chất dẻo, vải các loại, nguyên phụ liệu dệt may, sắt thép, máy vi tính, điện thoại các loại, dây điện và dây cáp điện, rau quả, thức ăn gia súc, bánh kẹo, dầu mỡ động vật…

Trong số này, có rất nhiều mặt hàng nằm trong biểu thuế ưu đãi và được áp thuế 0%. Như vậy, với việc giảm thuế và xoá bỏ nhiều dòng thuế, dự báo kim ngạch thương mại Việt Nam - Trung Quốc, ASEAN - Trung Quốc sẽ tăng mạnh.

Cụ thể, danh sách các mặt hàng được xoá bỏ thuế và giảm thuế theo cam kết ACFTA như sau:

Về nông nghiệp, là các loại động vật sống như trâu, bò, lợn, ngựa sống, cừu, dê, các loại gà, vịt, ngan ngỗng… dùng để nhân giống. Các loại thị trâu, bò, thịt lợn, cá các loại (trừ cá phi lê) và nhiều loại thuỷ hải sản khác như tôm, cua, ghẹ… đông lạnh đều được xoá bỏ thuế.

Ngoài ra, là các sản phẩm bơ sữa, trứng gia cầm, mật ong và các loại ngà, mai, sừng, móng vuốt, san hô, côn trùng cánh cứng.

Khoai tây, rau củ, cà chua, hành tây, tỏi, tỏi tây, bắp cải, súp lơ, su hào, cải xoăn, rau xà lách, cà rốt, củ cải, rau đậu, măng tây, cà tím, cần tây, nấm, ớt, rau chân vịt, quả bí, ngô, dư chuột, sắn thái lát, khoai lang.

Cây ăn quả gồm có quả hạnh nhân, dừa, quả óc chó, quả hồ trăn, hạt maccadamia, chuối, quả chà là, dứa, bơ, ổi, xoài, măng cụt, cam, quýt, chanh, bưởi, dưa hấu, táo, lê, quả mộc qua, mơ, đào, anh đào, mận, mâm xôi, dâu tây, sầu riêng, hồng vàng, việt quất, nhãn, vải, chôm chôm, chôm chôm, mít, me…

Cà phê, chè, gia vị, gừng, nghệ tây, ngô (trừ loại dùng để rang nổ áp thuế 5%), lúa gạo, gạo lứt (trừ gạo Thai Hom Mali áp thuế 20%), bột mì, ngũ cốc khác… cũng đều được áp thuế 0%.

Dầu ăn từ lạc và dầu cọ, hạt hướng duơng, dầu dừa, các loại bánh, chế phẩm từ rau quả. Các loại đồ uống, rượu, nước có ga (trừ bia rượu vang, rượu lên men có thuế 5%), thức ăn chăn nuôi dùng cho gia cầm, lợn được áp thuế 5% đến năm 2018 về 0%.

Chất hữu cơ hoạt động bề mặt (trừ xà phòng), các chế phẩm hoạt động bề mặt, các chế phẩm dùng để giặt, rửa. Các loại bột màu vẽ, kem đánh răng, sơn, cao su, sản phẩm may mặc, gỗ và các mặt hàng từ gỗ, giấy các loại, vải dệt, bông, sợi tổng hợp, quần áo, lò phản ứng hạt nhân, Tua bin hơi nước và các loại tua bin hơi khác.

Động cơ đốt trong kiểu piston đốt cháy bằng sức nén có thuế suất từ 0-20%. Máy rửa bát đĩa, máy làm sạch hoặc làm khô chai lọ hoặc các loại đồ chứa khác, máy đóng gói, máy nạp ga cho đồ uống, các thiết bị cơ khí, cần cẩu, xe nâng hạ xếp tầng hàng, máy nông nghiệp - lâm nghiệp, máy thu hoạhc, máy đập, máy chế biến sữa, máy ép, máy dệt, máy giạt, máy công cụ... có thuế suất 0%.

Đầu máy di chuyển trên đường sắt, toa xe khách, xe bảo dưỡng phục vụ trong đường sắt, máy kéo đều được xoá bỏ thuế (trừ máy kéo bánh xích).

Với mặt hàng ôtô, biểu thuế có sự khác nhau đáng kể. Theo đó, ô từ 30 người trở lên chuyên dùng trong sân bay được áp thuế 20% đến năm 2018. Các loại ôtô khách thiết kế từ 6-18 tấn được áp thuế 50% năm 2018.

Ôtô và các loại xe khác có động cơ được thiết kế chủ yếu để chở người dùng để chơi golf, xe đua nhỏ, xe thể thao áp thuế 5% và năm 2018 về 0%. Xe cần cẩu, cần trục khoan, cứu khoả, xe trộn bê tông, làm sạch đường, hút bể phốt được áp thuế 0% ngay. Các loại khác áp thuế 50% năm 2018.

Xe gắn máy các loại áp thuế 45%, tuy nhiên một số loại chuyên dùng năm 2018 sẽ được giảm về 0%. Trong khi đó các loại máy bay, vũ trụ, tàu thuỷ, thuyền, tàu đánh bắt thuỷ sản, du thuyền hay các vật liệu y tế được áp ngay 0%.

Đọc tiếp »

Tầng lớp trung lưu có thể chiếm 1/2 dân số Việt Nam vài năm tới

Vào một tối Chủ Nhật bình thường ở trung tâm Tp.HCM, những chiếc xe hơi châu Âu và xe máy Nhật chen chúc nhau ra vào bãi đỗ xe của một khu nhà hàng. Những món ăn được phục vụ ở khu này có sushi Nhật, đồ Italy, và bia tươi nhập ngoại… Trên tay thực khách là những chiếc iPhone và điện thoại cao cấp khác.

Tờ báo Nhật Nikkei nói rằng cảnh tượng này phản ánh những gì mà công ty tư vấn Boston Consulting Group (BCG) nói về tầng lớp trung lưu đang phát triển với tốc độ nhanh chóng ở Việt Nam.

Theo BCG, “tầng lớp trung và thượng lưu” với mức thu nhập từ 714 USD/tháng ở Việt Nam sẽ tăng lên mức 33 triệu người trong thời gian 2014-2020. Trong khi đó, công ty nghiên cứu thị trường Nielson ước tính rằng dân số thuộc tầng lớp trung lưu của Việt Nam sẽ đạt mức 44 triệu người vào năm 2020, và 95 triệu người vào năm 2030.

Tranh thủ cơ hội

Các thương hiệu nước ngoài như Samsung, Starbucks, Dell… vì vậy đang đổ tới Việt Nam để tranh thủ cơ hội này.

Nhấn mạnh về quy mô của thị trường Việt Nam, ông Paul Nguyen, giám đốc điều hành hãng bảo hiểm Manulife, nói: “Cơ hội cho các nhà bảo hiểm nhân thọ là vô hạn ở Việt Nam”. Ông Paul Nguyen cũng nói Việt Nam là quốc gia có mức độ phủ sóng bảo hiểm thấp nhất ở khu vực Đông Nam Á và hiện có 17 công ty bảo hiểm đang hoạt động tại Việt Nam với nhiều chính sách ưu đãi nhằm thu hút khách hàng.

Anh Nguyen, 25 tuổi, làm việc cho một tổ chức của châu Âu và công ty gia đình, có thu nhập 1.000 USD/tháng. Cô thích ăn các món ăn ngoại và đi du lịch nước ngoài. “Với số tiền như vậy, tôi không sống xa xỉ nhưng có thể sống thoải mái. Nếu tôi muốn đi du lịch thì điều đó không có gì là khó”, Anh Nguyen nói.

Với mức thu nhập ngày càng tăng, người Việt Nam ngày càng ưa thích các thương hiệu nước ngoài nổi tiếng, chẳng hạn điện thoại thông minh của Apple, Samsung, Sony… Samsung chiếm 35,6 % thị trường điện thoại di động tại Việt Nam trong năm 2015, Apple chiếm 24% - theo dữ liệu của công ty nghiên cứu thị trường công nghệ IDC.

Các nhà sản xuất smartphone quảng bá sản phẩm rất mạnh tại hai thành phố lớn nhất Việt Nam là Hà Nội và Tp.HCM. Những công ty có ngân sách hạn hẹp hơn thường cung cấp biển hiệu, trang trí… cho các cửa hiệu bán lẻ đồ điện tử, trong khi các công ty lớn chi đậm cho quảng cáo, khuyến mãi và đại sứ thương hiệu.

Dang Thi Hien, 42 tuổi, làm nghề trợ lý tư pháp, vừa mua một chiếc smartphone Samsung giá 100 USD. “Tôi thực sự không thích hàng Trung Quốc”, bà Hien, người có mức lương hiện tại 5.000 USD/tháng, nói. Theo bà Hien, hàng điện tử và mỹ phẩm Hàn Quốc cũng là sản phẩm được tầng lớp trung lưu Việt Nam ưa thích.

Các công ty bán lẻ nước ngoài không muốn bỏ lỡ cơ hội ở Việt Nam. Tập đoàn Aeon của Nhật mới đây đã khai trương trung tâm mua sắm thứ tư tại Việt Nam.

Hãng máy tính Dell cho biết người Việt Nam ngày càng chuộng những hàng hóa có mức giá cao hơn. “Người tiêu dùng Việt Nam, chủ yếu là thế hệ trẻ, sành công nghệ hơn, dẫn tới nhu cầu gia tăng đối với các sản phẩm công nghệ cao”, Cuong Thinh Nguyen, một nhà quản lý phát triển kinh doanh của Dell tại Việt Nam, cho biết.

Cuộc đua tăng tốc

Các nhà bán lẻ nước ngoài thường “thử” thị trường Việt Nam bằng cách mở từng cửa hàng một. Chẳng hạn, hãng bán lẻ Mitra Adiperkasa của Indonesia đã gia nhập thị trường Việt Nam vào tháng 9 vừa rồi thông qua khai trương cửa hiệu nhượng quyền của thương hiệu thời trang Tây Ban Nha Zara. Đây là cửa hiệu Zara đầu tiên tại Việt Nam, đặt tại Tp.HCM, có diện tích 2.400 mét vuông.

Các nhà hàng nước ngoài cũng mọc lên như nấm tại các thành phố lớn của Việt Nam.

“Người Việt Nam rất quan tâm đến vẻ bề ngoài”, ông Oscar Mussons, nhà tư vấn kinh doanh quốc tế thuộc công ty Dezan Shira & Associates, nhận định. “Nếu bạn vào một ngôi nhà ở Việt Nam, họ có thể không có một cái giường lớn hay một cái bàn lớn, nhưng họ lại có điện thoại di động và xe máy vì đó là những thứ họ có thể ‘khoe’ khi đi ra ngoài”.

Những nhà hàng Nhật và nhà hàng đồ ăn nhanh của Mỹ - nếu sạch sẽ, rộng rãi, và sáng sủa - đều được coi là nhà hàng cao cấp ở Việt Nam.

McDonald’s đã mở 3 cửa hiệu đầu tiên tại Việt Nam vào năm 2014. Tại thời điểm đó, McDonald’s được người Việt Nam coi là một thương hiệu nhà hàng mang tính biểu tượng. Chuỗi nhà hàng đồ ăn nhanh này hy vọng sẽ có 100 cửa hiệu tại Việt Nam vào năm 2024.

Các thương hiệu đồ ăn nhanh khác như Burger King, Dunkin Donuts, Starbucks, và Jollibee đều đang chạy đua ở Việt Nam. Jollibee đã mở cửa hiệu thứ 5 tại Hà Nội vào tháng 8 vừa qua, nâng tổng số cửa hiệu tại Việt Nam lên con số 81.

Kết quả thăm dò do Nielsen tiến hành cho thấy niềm tin của người tiêu dùng Việt Nam ở mức cao thứ 5 trên thế giới vào quý 1/2016. Hãng nghiên cứu này cũng nhấn mạnh 57% người Việt Nam hiện dưới 35 tuổi, và số người ra tốt nghiệp đại học ở Việt Nam đã tăng 60% trong vòng một thập kỷ qua.

Cùng với sự gia tăng của thu nhập, nhu cầu nhà ở cao cấp ở Việt Nam cũng tăng lên.

Nhà nghiên cứu thị trường Aparna Bharadwaj của BCG nói rằng các công ty nước ngoài nên tập trung bán các mặt hàng mỹ phẩm, thiết bị viễn thông, các sản phẩm sữa cao cấp, các sản phẩm vệ sinh, và “trải nghiệm” như du lịch khi vào thị trường Việt Nam. Chuyên gia này cũng nói rằng người tiêu dùng Việt Nam chuộng những sản phẩm có ích cho cả gia đình.

“Người tiêu dùng Việt Nam rất hướng về gia đình”, bà Bharadwaj nói. “Điều này có ở 10 quốc gia Đông Nam Á, nhưng thể hiện rõ hơn cả ở Việt Nam”.

Đọc tiếp »

Mỗi năm Việt Nam trả nợ vay ODA khoảng 1 tỷ USD

Chiều 25/10, Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) đã tổ chức họp báo chuyên đề giới thiệu nội dung mới về quản lý tài chính các chương trình, dự án sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay của các nhà tài trợ nước ngoài theo Thông tư số 111/2016 mới ban hành của Bộ Tài chính.

Lãi ODA đã vay tăng lên 2-3,5% từ tháng 7/2017

Tại buổi họp báo, ông Hoàng Hải, Phó cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, cho biết, trong 10 năm (2005-2015), tổng số vốn ODA của Việt Nam đã ký kết khoảng 45 tỷ USD, tập trung chủ yếu ở lĩnh vực cân đối tài chính vĩ mô, phát triển hạ tầng, y tế, giáo dục, biến đổi khí hậu, nông nghiệp...

Lãnh đạo Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại cho rằng, vốn vay ODA vẫn nằm trong hạn mức của Chính phủ. Bình quân dự toán trả nợ gốc và lãi vốn ODA khoảng 1 tỷ USD. Về việc vay nợ mới để trả nợ cũ, ông Hoàng Hải cho rằng nhiều nước như Mỹ, Nhật Bản cũng làm vậy.

Tuy nhiên, Việt Nam chưa được chuyên nghiệp như các nước trên hàng năm vẫn dùng ngân sách Nhà nước để đáp ứng trả nợ, trong những năm gần đây buộc phải vay mới trả cũ thực hiện để đảm bảo cân đối trả nợ.

Từ năm 2010, Việt Nam đã trở thành nước thu nhập trung bình. Mức độ ưu đãi của các khoản cho vay của các đối tác phát triển dành cho Việt Nam đang giảm rõ rệt. Nhiều nhà tài trợ đã chuyển từ nguồn vốn ODA sang nguồn vốn vay hỗn hợp.

Dự kiến đến tháng 7/2017, Việt Nam có thể không còn được vay theo điều kiện ODA, phải chuyển chủ yếu sang sử dụng nguồn vay ưu đãi và tiến tới vay theo điều kiện thị trường. Nguồn vốn ODA đã vay chuyển sang điều khoản trả nợ nhanh gấp đôi hoặc tăng lãi suất lên từ 2% - 3,5%.

"Ngân hàng thế giới sẽ nhóm họp và ra quyết định Việt Nam cùng một số quốc gia khác có tốt nghiệp IDA (không thuộc nhóm nước thu nhập thấp) hay không. Nếu Việt Nam được bỏ phiếu tốt nghiệp IDA thì sẽ không được vay ODA theo điều kiện", ông Hải cho biết.

Quản lý hiệu quả vốn ODA

Trong bối cảnh Việt Nam bắt đầu bước vào ngưỡng các quốc gia có thu nhập trung bình thấp, việc huy động các nguồn vốn ODA trở nên khó khăn hơn. Nhằm đảm bảo mục tiêu vay nợ bền vững thì nguồn vốn ODA cũng cần được sử dụng một cách chiến lược và cẩn trọng để thúc đẩy sự tăng trưởng của nền kinh tế bởi thực chất, nguồn vốn ODA cũng chính là nợ quốc gia.

Do đó, Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 02 về tăng cường công tác quản lý và nâng cao hiệu quả sử dụng nợ công. Theo đó, nợ công chỉ sử dụng cho đầu tư phát triển, xây dựng các công trình kinh tế xã hội quan trọng, thiết yếu theo quy hoạch. Tăng dần tỷ lệ cho vay lại, giảm dần tỷ lệ cấp phát đối với các khoản Chính phủ vay về cho vay lại.

Dựa trên chỉ thị của Chính phủ, Bộ Tài chính đã áp dụng Thông tư 111 từ 30/6/2016 với một số quy định mới như hướng dẫn rõ nội dung và quy trình xác định cơ chế tài chính ngay từ khâu đề xuất chương trình, dự án; Quy định về khâu lập kế hoạch và kiểm soát chi, quản lý giải ngân; Quy định về quy trình kiểm soát chi, đối với vốn ODA, vốn vay ưu đãi áp dụng quy trình chung về quản lý, thanh toán vốn đầu tư và vốn sự nghiệp, thanh toán chi giải phóng mặt bằng...

Ngoài ra Thông tư còn bổ sung hướng dẫn về một số nội dung đặc thù đối với vốn ODA, quy trình hạch toán ngân sách nhà nước mới...

Theo ông Hoàng Hải, việc quy định rõ về quy trình xác định cơ chế tài chính, cơ chế giải ngân theo kế hoạch vốn được giao, quy trình hạch toán ngân sách mới sẽ giúp quản lý, sử dụng hiệu quả vốn vay nước ngoài.

Đọc tiếp »

Luật Về hội: Người duy nhất giơ biển tranh luận nói gì?

Chiều 25/10, gần hết một ngày thảo luận dự án Luật Về hội, một vị đại biểu đã sử dụng quyền giơ biển tranh luận. Vì thế, dù danh sách còn hiển thị danh tính đến vài chục vị đã đăng ký phát biểu, ông vẫn được mời ngay.

Vị đại biểu duy nhất giơ biển đó là đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre).

Ông cho biết mình giơ biển vì không tán thành với ý kiến của một vị đại biểu vừa đăng đàn, là có thể thông qua Luật Về hội ngay trong kỳ họp này.

Bởi theo đại biểu Nhưỡng, tất cả các đạo luật đều có quan điểm chỉ đạo phải bám sát và thể chế hóa tất cả các đường lối, chủ trương của Đảng và cụ thể hóa Hiến pháp. Nhưng dự thảo đạo luật này chưa bám sát, chưa giải quyết được một vấn đề hết sức quan trọng chính sách đối ngoại và hợp tác quốc tế của Đảng và Nhà nước.

Trăn trở của ông Nhưỡng cũng liên quan đến băn khoăn của nhiều vị đại biểu khác trong phiên thảo luận, khi dự thảo Luật Về hội mới nhất quy định: “Hội không liên kết, gia nhập các hội nước ngoài, không nhận tài trợ nước ngoài; trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định”.

“Tôi đề nghị phải xem xét lại chỗ này và đề nghị ban soạn thảo phải làm rõ và báo cáo trước Quốc hội một cách hết sức thận trọng, rõ ràng những vấn đề này”, ông Nhưỡng nói.

Nhiều đại biểu đăng đàn trước ông Nhưỡng cũng dẫn chiếu những văn bản quan trọng của Đảng và Nhà nước về hội nhập tích cực, chủ động hội nhập quốc tế.

“Trong điều kiện như hiện nay thì quy định như dự thảo là một điều bất cập cần phải xem xét trước khi thông qua”, đại biểu Nghiêm Vũ Khải nói.

Bên cạnh hội nhập, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng dùng hai chữ “đặc biệt” để nói về trăn trở thứ hai của ông. Đó là dự thảo luật này không phân biệt các loại hội về mặt quy mô, tính chất, đây cũng là một vấn đề cần phải làm rõ.

“Có những loại hội chỉ có tính chất giao lưu như hội đồng ngũ, hội học sinh, hội đại học..., người ta chỉ giao lưu một năm một lần, cũng chẳng có trụ sở, cũng không có vấn đề gì cả. Vậy khi thành lập có phải đăng ký không? Tôi lấy một ví dụ điển hình, 22 năm nay tôi thành lập một hội đại học. Chúng tôi hàng năm giao lưu, chẳng lẽ bây theo luật này, chúng tôi phải đăng ký mới được hoạt động hay sao?”, ông Nhưỡng nêu câu hỏi.

Vấn đề tiếp theo, theo đại biểu Nhưỡng, là phải làm rõ khái niệm “mặt trận” trong quy định của dự thảo luật. Cần làm rõ “mặt trận” ở đây là bao gồm Cơ quan Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, hay là tất cả hơn bốn chục thành viên của “mặt trận”?

“Luật Về hội tác động rất mạnh mẽ đến đời sống xã hội, nhưng báo cáo đánh giá tác động của chúng ta không có, không đầy đủ”. Sau nhận xét này, đại biểu Nhưỡng đề nghị cần phải lấy ý kiến rộng rãi và phải tiếp nhận một cách trung thực, khách quan, đầy đủ tất cả những ý kiến đóng góp của toàn dân - những người là đối tượng chịu tác động của luật này.

“Nếu không làm được vấn đề này, tôi đề nghị Quốc hội không thông qua tại kỳ họp này. Sau khi sự cố Bộ luật Hình sự, Quốc hội dứt khoát phải làm những đạo luật có chất lượng, chứ không dễ dàng thông qua một đạo luật chưa đủ độ chín và chưa đảm bảo tính khoa học và tính khả thi”, ông Nhưỡng thể hiện quan điểm.

Đại biểu Nhưỡng cũng không phải là vị duy nhất đề nghị không qua dự án Luật Về hội ở kỳ họp này, dù nói như đại biểu Dương Trung Quốc, thì dự án này đã “vô địch” về số lần nâng lên đặt xuống.

Ý kiến đại biểu có nhiều chiều, thậm chí trái chiều, nhưng đại diện ban soạn thảo dự luật, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân không tranh luận gì, chỉ xin được tiếp thu và trình lại ở kỳ họp sau của Quốc hội.

Không khẳng định có cho lùi hay không, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết sẽ có văn bản báo cáo trước Quốc hội trong phiên họp tới đây. Song, ông nêu rõ tinh thần là “phải chuẩn bị có một luật tốt về hội, bảo đảm chất lượng, bảo đảm quyền lập hội của công dân và yêu cầu quản lý Nhà nước”.

Đọc tiếp »

450 tỷ USD cho tái cơ cấu kinh tế: “Chính sách tốt cũng cần truyền thông”

Trình Quốc hội kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết nguồn lực dự kiến cần hơn 10,5 triệu tỷ đồng theo giá thực tế, tương đương khoảng 450 tỷ USD.

Trao đổi với VnEconomy về đề án này, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI) đánh giá, đây thực sự là một đề án mang tính thị trường nhất từ trước tới nay của Chính phủ, với các bước đi và hành động rất cụ thể.

Ông Hưng nói:

- Tôi đọc báo gần đây thấy giật tít cần 10,5 triệu tỷ đồng hay 450 tỷ USD để tái cơ cấu nền kinh tế, với những bình luận rôm rả trên trang Facebook cá nhân của tôi, có phần đầy hoài nghi rằng, tiền lấy đâu ra nhiều thế?

Nhưng một chuyên gia kinh tế gia cao cấp của Ngân hàng Thế giới ở Việt Nam nói với tôi: “Đây là đề án có bước đột phá mang tính khả thi cao nhất mà Chính phủ đã đưa ra”.

Theo tôi, đây là đề án phân định rõ Nhà nước làm gì và tư nhân làm gì, chọn kịch bản áp lực nhất: GDP tăng khoảng 7%, bội chi ngân sách 4% GDP, lạm phát khoảng 3,5% và dùng mô hình kinh tế để lượng hoá tác động.

Nhà nước không tập trung vào huy động nguồn lực - tức là giảm thiểu vai trò đầu tư kinh doanh của Nhà nước - mà tập trung vào chính sách để gián tiếp phân bổ nguồn lực, khu vực tư nhân sẽ là lực lượng quan trọng của quá trình tái cơ cấu.

Trong các giải pháp đáng lưu ý, có ưu tiên phát triển thị trường tài chính, xử lý nợ xấu, thí điểm phá sản ngân hàng, phát triển thị trường mua bán nợ và áp dụng Basel 2 cho các tổ chức tín dụng.

Phương án xem xét thí điểm cho phá sản ngân hàng thực chất không khác nhiều so với mua 0 đồng, vì trên nguyên tắc thì cả hai phương án đều đảm bảo không gây thiệt hại cho người gửi tiền, khác biệt duy nhất là gắn trách nhiệm của các chủ ngân hàng bị phá sản với các khoản tín dụng liên quan và nợ xấu.

Có đặt vấn đề tái cơ cấu thị trường đất đai, bất động sản, tuy nhiên chưa đặt vấn đề đánh thuế sở hữu bất động sản, nếu đánh thuế sẽ ngăn được việc đầu cơ tăng giá - là một trong các nguyên nhân chủ yếu của lạm phát và nợ xấu.

Đề án cũng thống nhất quản lý Nhà nước về kinh tế, từ Quốc hội ra nghị quyết đến các chương trình hành động của Chính phủ, xây dựng các chỉ số để giám sát.

Cần lưu ý, con số 450 tỷ USD hay 10,5 triệu tỷ là tổng mức đầu tư toàn xã hội trong 5 năm mà Nhà nước phần lớn tập trung chính sách gián tiếp phân bổ tăng hiệu quả sử dụng của các thành phần kinh tế, chứ không phải nguồn vốn Nhà nước huy động.

Với riêng thị trường chứng khoán, để thị trường này để trở thành kênh dẫn vốn quan trọng hơn nữa, trở thành nơi đầu tư trung và dài hạn, thì nhà đầu tư cũng phải có tầm nhìn trung và dài hạn. Nhưng để làm việc đó, các cơ quan quản lý cần có những chính sách hỗ trợ thị trường phát triển lành mạnh và minh bạch.

Tôi đánh giá, đây thực sự là một đề án mang tính thị trường nhất từ trước tới nay, với các bước đi và hành động rất cụ thể mà Chính phủ đã đưa ra.

Có thiếu chăng, là thiếu công đoạn truyền thông chính sách, để mọi người có thể hiểu và không tranh luận tiêu cực.

Đọc tiếp »

Môi trường kinh doanh Việt Nam nhảy 9 bậc trong xếp hạng toàn cầu

Trong báo cáo “Môi trường kinh doanh 2017: Cơ hội bình đẳng cho mọi người” mới nhất do Ngân hàng Thế giới (WB) tiến hành, Việt Nam xếp hạng 82 trong tổng số 190 nền kinh tế được khảo sát về mức độ cải thiện môi trường kinh doanh.

So với năm ngoái, thứ hạng của Việt Nam đã tăng 9 bậc, nhờ sự chuyển biến tích cực trong các tiêu chí thương mại biên mậu, đóng thuế, đặc biệt là bảo vệ nhà đầu tư nhỏ lẻ.

Các tiêu chí ghi nhận sự thụt lùi là xin giấy phép xây dựng, vay vốn, và đáng chú ý là thành lập doanh nghiệp, giảm tới 10 thứ hạng.

Theo bảng xếp hạng, về môi trường khởi nghiệp, Việt Nam xếp thứ 121 trên tổng số 190 nền kinh tế, tăng tới 10 bậc so với bảng xếp hạng năm ngoái.

So với các nước trong khu vực, chỉ số này của Việt Nam tuy xếp sau Thái Lan (thứ 78) và Malaysia (112), nhưng vẫn trên các nước như Trung Quốc, Indonesia, Lào, Philippines...

Theo đánh giá của WB, việc khởi sự kinh doanh tại Việt Nam đã đơn giản hơn, nhờ giảm được thời gian trong quá trình đăng ký kinh doanh, khắc dấu.

Báo cáo cũng cho thấy Việt Nam thăng 11 bậc, từ hạng 178 lên 167 trong quy trình làm thủ tục đóng thuế cho các doanh nghiệp.

Tuy nhiên thứ hạng 167/190 vẫn xếp Việt Nam nằm ở top dưới về thủ tục thuế. Trong đó, thời gian trung bình để doanh nghiệp đi làm thủ tục thuế giảm từ 770 giờ/năm xuống còn 540 giờ/năm, tương đương với 22,5 ngày làm việc.

Báo cáo của WB cũng ghi nhận trên 2/3 trong số 25 nền kinh tế trong khu vực đã thực hiện tổng cộng 45 cuộc cải cách trong năm vừa qua nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, so với 28 cải cách được thực hiện trong năm trước đó.

Có 4 nền kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương lọt vào nhóm 10 nền kinh tế đứng đầu thế giới trong bảng xếp hạng của báo cáo. Đó là New Zealand (số 1), Singapore (số 2), Hồng Kông (số 4) và Hàn Quốc (số 5).

Đáng chú ý là có hai nền kinh tế trong khu vực là Brunei và Indonesia nằm trong nhóm 10 nước cải thiện nhanh nhất trên thế giới trong bảng xếp hạng năm nay.

“Cải cách trên các lĩnh vực trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương chính là những bước đi giúp cải thiện hoạt động kinh doanh. Tuy đã tiến bộ hơn hẳn so với năm trước nhưng các nền kinh tế trong khu vực vẫn phải tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong nước hơn nữa,” bà Rita Ramalho, Trưởng nhóm biên soạn báo cáo nói.

Lần đầu tiên báo cáo của WB đã đưa vấn đề giới tính vào 3 trong số 10 tiêu chí nghiên cứu: thành lập doanh nghiệp, đăng kí tài sản, và thực thi hợp đồng. Báo cáo cho biết trong các lĩnh vực nêu trên vẫn tốn tại rào cản về giới tính tại một số nền kinh tế trong khu vực. Các nước ngoại lệ gồm Malaysia và Brunei Darussalam. Hai nước này có các quy định thêm cho phụ nữ có gia đình muốn thành lập doanh nghiệp.

Ngoài ra, tiêu chí nộp thuế cũng được mở rộng và bao gồm cả các quy trình sau khai báo thuế, ví dụ kiểm toán thuế và hoàn thuế VAT. Nhiều nền kinh tế trong khu vực thực hiện tốt lĩnh vực này, nhưng vẫn có một số ngoại lệ. Ví dụ, thời gian thực hiện thủ tục thuế tại Thái Lan và Timor-Leste vẫn còn cao, thủ tục thuế VAT tại Tonga và Fiji cũng vẫn rất mất thời gian.

Đọc tiếp »