Thứ Hai, 12 tháng 9, 2016

Việt - Trung sẽ cùng nhau kiểm soát tốt bất đồng

“Việt Nam luôn coi trọng việc củng cố và tăng cường quan hệ hợp tác hữu nghị với Trung Quốc, coi đây là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam”.

Đó là khẳng định của Thủ tướng Nguyễn Nhân Phúc tại cuộc hội kiến với Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Phó thủ tướng Trung Quốc, ông Trương Cao Lệ nhân chuyến thăm quốc gia này, từ ngày 10/9.

Tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã điểm lại một số nét chính về tình hình quan hệ hai nước Việt Nam - Trung Quốc thời gian qua, khẳng định Việt Nam kiên trì thực hiện đường lối đối ngoại hòa bình, độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa.

Thủ tướng cho biết, trong chuyến thăm chính thức Trung Quốc lần này sẽ cùng các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Chính phủ Trung Quốc đi sâu trao đổi về các biện pháp thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển ổn định, lành mạnh trong thời gian tới, bao gồm việc duy trì gặp gỡ, tiếp xúc giữa lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước; khuyến khích các cấp, các ngành của hai bên tăng cường giao lưu, hợp tác cùng có lợi.

Hai bên cũng sẽ tích cực phối hợp giải quyết những vấn đề còn tồn tại, vướng mắc, đưa quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước bước vào giai đoạn phát triển mới, chất lượng, hiệu quả và bền vững; cùng nhau kiểm soát tốt bất đồng trên biển, kiên trì giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển 1982, duy trì hòa bình, ổn định ở biển Đông và khu vực.

Phó thủ tướng Trung Quốc Trương Cao Lệ thay mặt Đảng, Chính phủ Trung Quốc nhiệt liệt hoan nghênh Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sang thăm chính thức Trung Quốc và dự Hội chợ, Hội nghị Thượng đỉnh thương mại và đầu tư Trung Quốc - ASEAN lần thứ 13 tại Nam Ninh, Quảng Tây.

Lãnh đạo Trung Quốc cũng tin tưởng rằng chuyến thăm lần này của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ đóng góp tích cực cho sự phát triển của quan hệ hai Đảng, hai nước; nhấn mạnh việc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao và nhiều doanh nghiệp Việt Nam tham dự Hội chợ lần này thể hiện sự coi trọng của Chính phủ Việt Nam đối với quan hệ Trung - Việt cũng như hợp tác Trung Quốc - ASEAN, đóng góp quan trọng vào sự thành công của Hội chợ lần này.

Phó thủ tướng Trương Cao Lệ khẳng định Đảng, Chính phủ Trung Quốc coi trọng quan hệ với Việt Nam, mong muốn hai bên duy trì tiếp xúc cấp cao, tăng cường tin cậy chính trị, thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác thực chất, mở rộng giao lưu nhân dân, củng cố quan hệ hữu nghị truyền thống, kiểm soát tốt bất đồng, thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Trung - Việt phát triển ổn định, lành mạnh, bền vững.

Trước đó, ngay sau khi đến thành phố Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tới dự khai trương khu gian hàng thương mại của doanh nghiệp Việt Nam tại CAEXPO và tham quan một số gian hàng của các quốc gia tại Hội chợ.

Chiều cùng ngày, tại Trung tâm hội nghị quốc tế Lệ Viên Sơn Trang, Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp thân mật Bí thư Đảng ủy Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây Bành Thanh Hoa đến chào và hội kiến.

Đọc tiếp »

Thứ Sáu, 9 tháng 9, 2016

Cần làm rõ thông tin bà Nga “chạy” tiền để vào Quốc hội

“Có thông tin thế thì phải kiểm chứng lại ngay, đây là chuyện tày trời chứ có phải không đâu”, Chủ nhiệm Văn phòng - Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trao đổi bên lề hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách sáng 8/9, liên quan đến thông tin bà Châu Thị Thu Nga đã “chạy” tiền để vào được danh sách ứng cử đại biểu Quốc hội khoá 13.

Trước đó, theo thông tin từ một tờ báo, bà Châu Thị Thu Nga - cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng nhà đất (Housing Group), người đã bị bãi nhiệm đại biểu Quốc hội khoá 13 - khai nhận đã chi khoảng 1,5 triệu USD, tương đương 30 tỷ đồng, cho một doanh nghiệp về vàng bạc tại thành phố Hà Nội để nhờ lo các thủ tục cho bà Nga được ứng cử đại biểu Quốc hội khóa 13.

Cho biết là hiện chưa có kết luận điều tra chính thức, song ông Phúc bình luận: “1,5 triệu đô thì kinh đấy chứ. Tôi chưa nắm được thông tin này. Tôi nghĩ rằng bây giờ bà Nga đang cần khai về khoản tiền bị cáo buộc chiếm đoạt đi đâu rồi, chẳng lẽ bảo là vào túi hết, nên đành phải nghĩ ra chỗ để sử dụng tiền. Chứ còn thông tin đó làm gì có cơ sở, không có bất cứ một bằng chứng nào về khoản tiền này, lời khai này 30 tỷ rất nhiều, rải đi đâu hết chỗ này, cục tiền lớn thế thì ném đi đâu”.

Theo ông có nên làm rõ thông tin này không, vì nó rõ ràng ảnh hưởng đến uy tín của Quốc hội?

Có quá chứ sao không. Có thông tin thế thì phải kiểm chứng lại ngay, cơ quan chức năng người ta sẽ làm ngay xem tiền thế, khai thế thì đưa đâu, đưa cho ai, để làm gì. Đây là chuyện tày trời chứ có phải không đâu.

Nhưng vấn đề là sử dụng một khoản tiền lớn như thế để vào Quốc hội mà làm gì, mục đích gì? Một số đại biểu được mời làm chuyên trách người ta còn đang ngại, đang muốn tránh, không chịu tham gia ấy chứ.

Trong mối liên hệ với thông tin về lời khai của bà Nga, quá trình bầu cử Quốc hội khoá 14 ông có nghe thông tin nào về việc “chạy” ai, vào danh sách ứng cử chưa, nhất là trong khối doanh nhân?

Chỉ có một ý kiến nhưng xét thấy không có cơ sở. Doanh nhân tự ứng cử vừa rồi chỉ có hai người trúng cử thôi.

Tôi nghĩ có cầu thì mới có cung. Phải xác định vào Quốc hội thì phải thế nào mới làm vậy chứ. Nhưng thực tế quyết định các vấn đề ở Quốc hội là ý kiến tập thể chứ có phải chỉ phụ thuộc vào 1-2 người đâu.

Ví dụ giờ anh muốn bảo vệ quan điểm về thuế để có lợi cho doanh nghiệp nhưng chỉ có mình anh, hay một nhóm một số doanh nghiệp thì cũng làm gì được, còn các đại diện từ cơ quan Chính phủ, bộ ngành, thẩm tra… chứ.

Nói vậy nghĩa là ông không tin có chuyện chạy tiền như thông tin về lời khai của bà Nga?

Tôi không tin, không tin vào việc lại bỏ một khoản tiền lớn như thế để chạy vào đại biểu Quốc hội, để làm gì.

Kể cả vì cái mác đi nữa thì pháp luật cũng có chừa ai đâu, có mác thì khi vi phạm vẫn bị xử lý mà, nhiều trường hợp thế rồi chứ có phải đeo mác đó là bất khả xâm phạm đâu.

Ông vừa nói từ khoá trước, cũng có một vài đại biểu đi tiếp xúc cử tri thì có tặng quà, hứa sẽ làm cái này cái kia cho nơi mình bầu cử. Như vậy không phải vô cớ mà dư luận cho rằng có việc “chạy” đại biểu Quốc hội nhất là trong giới doanh nhân?

Những vị có hành động như thế là do sự nhầm tưởng, tưởng ngồi vào Quốc hội thì có quyền quyết định thế nọ thế kia, nhưng một cá nhân thì không thể thay đổi hay tác động được gì cả.

Vậy có nên tranh cử thay vì vận động bầu cử để giải quyết câu chuyện này?

Vận động bầu cử phải lành mạnh, bình đẳng, không phải cậy có nhiều tiền mà muốn vận động thế nào cũng được, luật không cho phép như thế.

Đọc tiếp »

“Người nước ngoài không được lập tổ chức tôn giáo tại Việt Nam”

Tại phiên thảo luận về dự án Luật Tín ngưỡng, tôn giáo của đại biểu Quốc hội chuyên trách, sáng 8/9, Uỷ ban Văn hoá - Giáo dục - Thanh thiếu niên và nhi đồng cho biết theo quy định tại dự thảo luật, người nước ngoài về cơ bản có quyền sinh hoạt, hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo như công dân Việt Nam, kể cả việc theo học tại cơ sở đào tạo tôn giáo Việt Nam hay được tổ chức tôn giáo Việt Nam phong chức, phong phẩm, bổ nhiệm, bầu cử, suy cử.

Tuy nhiên quy định này, theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Công Hồng, là vẫn chưa trả lời được câu hỏi người nước ngoài có được thành lập tổ chức tôn giáo hay không.

Hồi âm trực tiếp từ đại diện ban soạn thảo tại phiên thảo luận, là người nước ngoài không được lập tổ chức tôn giáo tại Việt Nam.

Cũng góp ý về quyền tự do tín ngưỡng của người nước ngoài, đại biểu Tô Văn Tám đề nghị quy định người nước ngoài được giảng đạo ở Việt Nam, nhưng cần nêu rõ là chỉ được thực hiện ở cơ sở tôn giáo hoặc địa điểm hợp pháp khác chứ không phải ở bất cứ đâu.

Đại biểu Tám và một số vị đại biểu khác cũng góp ý cần quy định cấm hoạt động tôn giáo cản trở hoạt động công vụ. Vì trên thực tế đã có chuyện cản trở xảy ra.

Liên quan đến quản lý Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo, hiện tại Bộ Nội vụ thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về tôn giáo, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch thực hiện việc quản lý lễ hội tín ngưỡng và chưa có cơ quan nào quản lý Nhà nước về tín ngưỡng.

Phó chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi và một số vị đại biểu khác đề nghị nên để Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về tôn giáo.

Hiện nay cơ quan quản lý tôn giáo nằm ở Bộ Nội vụ nhưng lại độc lập hoàn toàn với Bộ này, khi hỏi Bộ trưởng thì Bộ trưởng bảo không nắm được lĩnh vực này. Nên quy định Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về tôn giáo, không có bộ nào khác làm tốt hơn, đại biểu Bùi Sỹ Lợi góp ý.

Tuy nhiên, cũng có vị đại biểu cho rằng cần phải có một cơ quan quản lý Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo độc lập để phản ánh đúng tính phức tạp, quan trọng của lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo trong đời sống xã hội hiện nay.

Theo dự kiến, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo sẽ được Quốc hội thông qua vào kỳ họp khai mạc cuối tháng 10 năm nay.

Đọc tiếp »

Nhật muốn cung cấp tàu tuần dương mới cho Việt Nam

Chính phủ Nhật Bản ngày 7/9 tuyên bố đã sẵn sàng cung cấp tàu tuần dương mới cho Việt Nam. Đây là động thái mới nhất của Tokyo nhằm tăng cường năng lực cho lực lượng chấp pháp trên biển của một số quốc gia Đông Nam Á.

Trước đó, vào hôm 6/9, Nhật Bản cũng đã nhất trí cung cấp hai tàu tuần dương lớn cho Philippines, và cho nước này mượn 5 máy bay trinh sát đã qua sử dụng.

Theo tin từ Reuters, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã trao đổi với Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc về ý định trên của Tokyo trong cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo bên lề hội nghị thượng đỉnh Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tại Vientiane, Lào.

Nhật Bản hiện đã cung cấp cho Việt Nam 6 tàu tuần dương, nhưng đều là tàu đã qua sử dụng - một quan chức Bộ Ngoại giao Nhật cho biết.

Vị này nói thêm rằng một số chi tiết như thời điểm và số lượng tàu mới mà Nhật muốn cung cấp cho Việt Nam còn chưa được quyết định.

Nhật Bản có kế hoạch cấp vốn vay lãi suất thấp theo chương trình hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) cho Việt Nam để mua tàu tuần dương.

Đọc tiếp »

Lập hội: Thích thì đăng ký, không thì thôi

© Bản quyền thuộc về VnEconomy, báo điện tử thuộc nhóm Thời báo Kinh tế Việt Nam

Giấy phép Báo điện tử số 123/GP-BTTTT, cấp ngày 7/4/2014

Mọi tin bài đăng lại từ website này phải có sự chấp thuận bằng văn bản của VnEconomy.

Các trang ngoài sẽ được mở ra ở cửa sổ mới. VnEconomy không chịu trách nhiệm nội dung các trang ngoài.

Tổng biên tập: Giáo sư Đào Nguyên Cát

Trụ sở Tòa soạn: 96 Hoàng Quốc Việt, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Điện thoại: (84-4) 3755 2060 - 3755 2059 / Fax: (84-4) 3755 2046

Đọc tiếp »

Thứ Năm, 8 tháng 9, 2016

Chính phủ “thúc” xử lý trách nhiệm sau vụ Formosa xả thải

Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng UBND tỉnh Hà Tĩnh khẩn trương làm rõ trách nhiệm liên quan đến vụ việc công ty trách nhiệm hữu hạn gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh xả thải gây ô nhiễm môi trường biển.

Đó là một trong những nội dung đáng chú ý của nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 8 của Chính phủ vừa được Thủ tướng ký ban hành.

Tại nghị quyết, Chính phủ yêu cầu từng bộ, ngành, địa phương phải đề ra giải pháp hữu hiệu, quyết tâm hành động, nhất quán trong thực hiện chủ trương, chính sách, kiên quyết không thay đổi mục tiêu... để tạo chuyển biến rõ nét về tăng trưởng kinh tế trong những tháng cuối năm 2016.

Chính phủ yêu cầu các bộ trưởng, trưởng ngành, chủ tịch UBND cấp tỉnh tiếp tục thực hiện các chỉ đạo trước đó của Chính phủ về phát triển kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh. Thiết lập ngay kênh để lắng nghe ý kiến phản ánh của người dân và doanh nghiệp để kịp thời tiếp thu, phục vụ tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp.

Các bộ quản lý ngành, lĩnh vực quyết liệt thực hiện các giải pháp, bảo đảm tăng trưởng của từng ngành, từng lĩnh vực; chủ động theo dõi tình hình, tập trung tháo gỡ khó khăn, kịp thời xử lý những bất cập của ngành, lĩnh vực quản lý; đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước, nhất là các doanh nghiệp lớn. Niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán trước khi thoái vốn nhà nước, bảo đảm theo cơ chế thị trường, công khai, minh bạch và tránh thất thoát vốn nhà nước.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện tốt chức năng điều phối chính sách chung của Chính phủ. Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khoá, kiểm soát lạm phát, ổn định giá trị đồng tiền Việt Nam.

Bộ Tài chính quyết liệt chỉ đạo chống thất thu, nợ đọng thuế, tăng thu ngân sách nhà nước; đánh giá hiệu quả các chính sách ưu đãi thuế, công khai thông tin nộp thuế của các doanh nghiệp lớn, trong đó có các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài; phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư, tránh tập trung thanh toán vào thời điểm cuối năm...

Riêng với vụ việc ô nhiễm môi trường biển do Formosa gây ra, ngoài chỉ đạo trên, Chính phủ yêu cầu Ban Chỉ đạo khắc phục sự cố môi trường biển miền Trung chỉ đạo tập trung hỗ trợ người dân ở các địa phương bị ô nhiễm môi trường biển khôi phục sản xuất trên cơ sở công khai, công bằng, đúng đối tượng, kịp thời gian, có biện pháp tuyên truyền để nhân dân hiểu về chủ trương và giải pháp của Đảng và Nhà nước.

Các bộ ngành khác cũng được yêu cầu nỗ lực cao nhất để đảm bảo các chỉ tiêu đã đề ra của ngành mình cho cả năm 2016.

Đọc tiếp »

Thủ tướng: “Nguy cơ thành bãi rác công nghệ đang hiện hữu”

Thu hút đầu tư phải bảo đảm các yêu cầu về bảo vệ môi trường; không cho phép đầu tư vào các loại hình sản xuất, sử dụng công nghệ sản xuất lạc hậu có nguy cơ cao gây ô nhiễm; các địa phương khẩn trương ban hành và tổ chức thực hiện nghị quyết chuyên đề, chương trình, kế hoạch hành động về bảo vệ môi trường.

Nội dung trên được đề cập trong Chỉ thị 25/CT về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về bảo vệ môi trường, vừa được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành.

Theo đánh giá của Thủ tướng, dù các cấp ngành đã có nhiều nỗ lực, xử lý nghiêm minh các vi phạm, song ô nhiễm môi trường vẫn tiếp tục gia tăng, xảy ra nhiều sự cố gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của nhân dân.

Nguyên nhân của tình trạng trên là do nhận thức, ý thức trách nhiệm của các ngành, các cấp, doanh nghiệp và người dân còn hạn chế. Nhiều địa phương còn chạy theo lợi ích kinh tế trước mắt, xem nhẹ công tác bảo vệ môi trường, chưa phát huy hiệu quả vai trò, trách nhiệm và sự tham gia của các tổ chức xã hội, cộng đồng, người dân.

Hệ thống pháp luật, quy chuẩn còn nhiều bất cập, thiếu khả thi; thiếu quy định, tiêu chí, công cụ để sàng lọc, lựa chọn dự án đầu tư, công nghệ sản xuất, xử lý môi trường, kiểm soát hoạt động xả thải của doanh nghiệp...

Thủ tướng lưu ý, áp lực lên môi trường ngày càng lớn, nguy cơ nước ta trở thành bãi thải công nghệ lạc hậu, các loại hình sản xuất ô nhiễm môi trường đang hiện hữu, biến đổi khí hậu diễn biến nhanh, phức tạp, đặt ra nhiều thách thức lớn đối với công tác bảo vệ môi trường.

Để khắc phục những hạn chế, chủ động phòng ngừa, ngăn chặn và giảm thiểu ô nhiễm, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phối hợp đồng bộ, chặt chẽ trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường từ khâu xét duyệt, thẩm định đến triển khai thực hiện và vận hành dự án.

Chủ đầu tư, cơ quan quyết định, phê duyệt đầu tư, thẩm định công nghệ sản xuất, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường phải chịu trách nhiệm về vấn đề môi trường của dự án. Chủ tịch UBND các cấp chịu trách nhiệm toàn diện về các vấn đề môi trường trên địa bàn. Bộ Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, thanh tra, hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc việc thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường của các Bộ, ngành, địa phương.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các Bộ, ngành có liên quan tổng hợp, đề xuất sửa đổi các quy định về bảo vệ môi trường trong các luật về môi trường, tài nguyên, thuế, ngân sách, đầu tư, xây dựng, khoa học và công nghệ, năng lượng… bảo đảm thống nhất, đồng bộ, đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường, hoàn thành trong năm 2017.

Đồng thời rà soát, trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung các nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Bảo vệ môi trường, khắc phục những bất cập hiện nay, nhất là các quy định về các công cụ, biện pháp quản lý nhà nước, biện pháp kỹ thuật kiểm soát, giám sát hoạt động xả thải của doanh nghiệp...

Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng hệ thống tiêu chí về môi trường làm cơ sở lựa chọn, sàng lọc loại hình sản xuất và công nghệ sản xuất trong thu hút đầu tư, xem xét, phê duyệt các dự án đầu tư, hoàn thành trong năm 2017.

Thủ tướng Chính phủ giao các bộ, ngành, địa phương tập trung rà soát, ban hành theo thẩm quyền hoặc đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định về bảo vệ môi trường theo hướng ngăn chặn các dự án đầu tư sử dụng công nghệ lạc hậu, loại hình sản xuất có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, quy định cụ thể tỷ lệ vốn đầu tư xử lý ô nhiễm môi trường đối với các loại hình dự án đầu tư.

Bộ Xây dựng ban hành hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành suất đầu tư, giá dịch vụ trong xử lý chất thải rắn sinh hoạt, hoàn thành trong năm 2017.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng, các Bộ liên quan tăng cường công tác đánh giá tác động của công nghệ nhập khẩu đến môi trường; rà soát các dự án nhập khẩu dây chuyền, công nghệ xử lý rác thải; đề xuất công nghệ, thực hiện thí điểm xử lý chất thải rắn bằng công nghệ của Việt Nam, hoàn thành trong năm 2017...

Đọc tiếp »