Thông tin được Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, ông Nguyễn Ngọc Oai xác nhận với báo giới, sau khi 3 Bộ: Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng đại diện 4 tỉnh miền Trung đã có cuộc họp rà soát lại danh mục thống kê các đối tượng được đền bù do thiệt hại từ sự cố cá chết, ngày 22/9, trước khi trình Chính phủ phê duyệt.
Theo ông Nguyễn Ngọc Oai, sau khi có chỉ đạo của Phó thủ tướng Trương Hòa Bình về việc mở rộng đối tượng được đền bù, nhóm công tác đã thống nhất đưa vào danh sách một số đối tượng trực tiếp và gián tiếp bị ảnh hưởng như: người làm nghề xe ôm, người kinh doanh hải sản, các dịch vụ có liên quan đến đánh bắt và nuôi trồng…
Đại diện Tổng cục Thủy sản cho hay, danh sách người được đền bù là do địa phương kê khai, đã qua thẩm định chéo giữa các thôn, xã; đã qua nhiều vòng lấy ý kiến đóng góp, tham gia thảo luận của người dân, việc đền bù không bằng hiện vật mà trả trực tiếp bằng tiền, nên sẽ khó có thể xảy ra tiêu cực.
Trước đó, ngày 20/9, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình cũng đã có chỉ đạo về các giải pháp ổn định đời sống và sản xuất, kinh doanh cho nhân dân 4 tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng sự cố môi trường, trong đó yêu cầu phải tập trung sớm giải quyết dứt điểm việc bồi thường thiệt hại, hỗ trợ ổn định đời sống, phát triển sản xuất cho người dân; khắc phục hậu quả sự cố môi trường, phục hồi môi trường biển, triển khai lắp đặt các trạm quan trắc giám sát môi trường biển thường xuyên.
Đồng thời, Phó thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, địa phương phải đảm bảo Công ty TNHH Gang Thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh không tái phạm, khắc phục đầy đủ các sai phạm, thực hiện đầy đủ các cam kết, tuân thủ nghiêm các quy định pháp luật về xả thải ra môi trường (về nước thải, khí thải, chất thải rắn…).
Phó thủ tướng cũng nhấn mạnh, việc chi trả tiền bồi thường phải đảm bảo các nguyên tắc đã xác định như công khai, minh bạch, dân chủ, công bằng, không để xảy ra tiêu cực.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét